Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Hẳn ai trong chúng ta cũng đều biết đến cuộc dời đô của Vua Lý Thái Tổ từ Hoa Lư lên định đô ở Thăng Long là nơi thượng đô của kinh sư mãi muôn đời. Đó là công lao rất lớn của triều Lý với đất nước, nhưng không chỉ một việc ấy, mà nhà Lý còn có một quyết sách văn hóa, cũng không kém phần lớn lao, với tầm vóc thiên niên kỷ đó là cho xây dựng Văn Miếu và Quốc Tử Giám!

Văn Miếu – Quốc Tử Giám thờ ai?

Di tích này là một quần thể gồm có Văn Miếu và Quốc Tử Giám. Văn Miếu – Quốc Tử Giám thờ Khổng Tử, các bậc Hiền triết của Nho giáo, Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, người thầy tiêu biểu đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam và những vị vua có công xây dựng và phát triển nơi đây. Quốc Tử Giám được khởi lập kề sau Văn Miếu, ban đầu là nơi học của các hoàng tử, thời gian sau con cái của các quan lại trong triều cũng được lựa chọn cho vào học, sau đó mở rộng thu nhận cả các học trò giỏi trong thiên hạ, đây là trường đại học đầu tiên của Việt Nam.

Khổng Tử thờ tại Điện Đại Thành - Văn Miếu Quốc Tử Giám
Chu Văn An thờ tại Điện Thái Học - Văn Miếu Quốc Tử Giám

Văn Miếu – Quốc Tử Giám được xây dựng từ bao giờ?

Vua Lý Thánh Tông cho dựng Văn Miếu vào năm 1070 và sau đó vua Lý Nhân Tông đã cho lập Quốc Tử Giám ở kinh đô Thăng Long vào năm 1076. Văn Miếu – Quốc Tử Giám được xây dựng ở phía Nam Kinh thành Thăng Long, hiện nay nằm trên đường Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội. Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện đã được Thủ tướng chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt ngày 12/5/2012.

Chưa đầy 5 năm sau khi được xây dựng, đầu năm Giáp Dần, niên hiệu Thái Ninh thứ ba, tức là năm 1075 vua Lý Nhân Tông đã cho mở Khoa thi nho học đầu tiên trong lịch sử nước ta gọi là khoa “Minh kinh bác học” với tên tuổi của Thái sư Lê Văn Thịnh, là bậc khai khoa của các nhà trí, thức khoa bảng nước ta. Khởi đầu từ hoàng gia, qua các triều đại từ Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc, Lê Trung Hưng đến triều Nguyễn nền giáo dục Nho học ngày càng lan tỏa đến tận các làng quê xa xôi. Từ trốn lều tranh vách đất, những người trẻ tuổi tài năng của đất nước, cần cù học tập, đạt được thứ hạng cao Trong các thì kỳ thi tuyển, từ Trung khoa tức là thi Hương, lên đại khoa gồm thi hội và thi đình. Rồi được triều đình bổ nhiệm, nhận các chức vụ trong kinh ngoài quận, biết bao thế hệ hiền tài, đã được sản sinh ra để giúp dân giúp nước.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám gồm những hạng mục kiến trúc nào?

Trải qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử,  hiện di tích gần nghìn năm tuổi này vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ của thời Lê và thời Nguyễn. Quần thể di tích hiện nay nằm trên diện tích là 54.331m2 gồm khu nội tự và ngoại tự. được bố cục đăng đối từng khu, từng lớp theo trục Bắc Nam, mô phỏng tổng thể quy hoạch khu Văn Miếu thờ Khổng Tử ở Trung Quốc. Tuy nhiên, quy mô và kiến trúc ở đây đơn giản hơn.Khu ngoại tự gồm hồ Văn và vườn Giám. Khu nội tự chia thành 5 lớp không gian, được bao bọc bởi những bức tường gạch vồ. 

Mỗi lớp không gian, ngăn cách nhau bởi 3 chiếc cổng; cổng lớn ở chính giữa, hai cổng nhỏ ở hai bên. Theo thiết kế kiến trúc truyền thống của người Việt Nam là sự kết hợp hài hoà giữa các yếu tố phong thủy, nên trước Văn Miếu có một hồ nước tên gọi là Hồ Văn. Xưa kia, Hồ Văn không bị tách rời với Văn Miếu, bởi một con đường, tấp nập xe cộ như bây giờ, và cũng có diện tích rất rộng, giữa hồ còn có đảo Kim Châu. Đến thời Nguyễn, Văn Hồ Đình  tức là đình Hồ Văn được dựng lên làm nơi sinh hoạt văn chương. Các văn nhân thường tụ họp để bình văn, bình thơ tại đình này. Ngôi đình mà hiện nay chúng ta nhìn thấy là đã được phục dựng lại.

Hồ Văn Văn Miếu Quốc Tử Giám
Đình Hồ Văn Văn Miếu Quốc Tử Giám

Khu vực Tiền án Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Phía ngoài cùng của khu nội tự là khu vực Tiền án, đây là khoảng không gian mở  phía trước tạo dáng vẻ bề thế, uy nghiêm cho Văn Miếu, được bắt đầu bằng cổng nghi môn với bốn cột trụ lớn và hai bia “Hạ mã” ở hai bên, Hạ mã nghĩa là xuống ngựa.Tứ trụ xây bằng gạch, hai trụ giữa cao hơn, trên đỉnh có hình hai con nghê chầu vào. Hai trụ ngoài đắp nổi bốn con chim phượng xoè cánh chắp đuôi vào nhau rất đẹp. Nếu để ý kĩ quý vị sẽ thầy ở trên hai cột giữa của Tứ trụ cả bốn mặt đều có trang trí các bức phù điêu linh vật như Long, Li, Quy, Phượng. Một điều đặc biệt, trong mỗi bức phù điêu, các linh vật đều được chạm khắc theo cặp, một con to và một con nhỏ. Dạng thức đồ án này được gọi là đồ án Huấn tử.

Huấn tử có nghĩa là dậy con, các bức phù điêu Huấn tử trên Tứ trụ gồm: Lão long huấn tử, Kì lân huấn tử, Lão quy huấn tử, Phượng hoàng huấn tử.  Đồ án thể hiện hình ảnh một con lớn hơn được chạm khắc công phu, rõ nét từng chi tiết ở trên cao quay đầu xuồng như đang nói chuyện với con nhỏ phía dưới rất non nớt, chưa trưởng thành. Các nghệ nhân đã khéo léo sử dụng nghệ thuật đắp vữa tạo tác rõ nét từng đặc điểm trên cơ thể mỗi linh vật, thể hiện sự truyền dạy nghiêm khắc mà tràn đầy yêu thương của cha đối với con qua những động tác vờn múa hay bay lượn uyển chuyển, tinh tế. Đồ án “Huấn tử” với ý nhắc nhở mọi gia đình luôn chăm lo đến đến sự học hành của con cháu đã cho thấy quan điểm của người xưa rất coi trọng vai trò giáo dục trong gia đình. Giáo dục trong gia đình là gốc rễ của của sự hưng thịnh quốc gia.

         Sách xưa đã dạy:

         “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá. Giáo bất nghiêm, sư chi đạo”

          Nghĩa là “Nuôi con mà không dạy, đó là lỗi của bậc cha mẹ

          Dạy dỗ mà không nghiêm, đó là sự lười biếng của người thầy”

Văn Miếu – Quốc tử Giám – Trung tâm đào tạo cao cấp nhất của Việt Nam thời quân chủ, nơi tôn vinh những giá trị về giáo dục của dân tộc Việt Nam. Đồ án Huấn tử xuất hiện ngay từ lối vào đã thể hiện quan điểm giáo dục toàn diện của người xưa: giáo dục là trách nhiệm của toàn xã hội. Chân lý ấy vẫn vẹn nguyên giá trị cho đến ngày nay.

Bia “ Hạ mã” cùng với cổng nghi môn trước cổng Văn Miếu, được xem là mốc giới hạn xác định ranh giới chiều ngang của Văn Miếu. Hai tấm bia Hạ Mã được đặt trong hai nhà bia nhỏ xây gạch ,xưa kia dù công hầu hay khanh tướng ,dù võng lọng hay ngựa xe hễ đi qua Văn Miếu đều phải xuống đi bộ ít nhất từ tấm bia Hạ Mã nay sang tấm bia Hạ Mã kia để tỏ lòng tôn kính rồi mới lên ngựa lên xe đi tiếp.
Cổng Văn Miếu xây bằng gạch theo kiến trúc dạng tam quan hai tầng, tám mái, chính môn ở giữa có hai tầng. Tầng dưới là lối đi, các góc có trụ biểu nhô cao. Tầng trên có các vòm cửa trống thông thoáng, bên trong có treo chiếc chuông, bên ngoài có hai tầng mái, đắp nổi ba chữ Hán “Văn Miếu môn” nghĩa là Cổng Văn Miếu  được xây dựng vào thế kỷ 19.

Cổng tam quan Văn Miếu Quốc Tử Giám

Hai cánh cửa cổng Văn Miếu bằng gỗ lim, ở phía trên cửa là mái vòm gỗ hình bán nguyệt, chạm nổi,  hình đôi rồng chầu mặt nguyệt. Hai bên Chính môn là Tả môn và Hữu môn có quy mô nhỏ và thấp hơn, cũng có hai tầng mái giả, uốn cong. Các thành phần kiến trúc sắp xếp hài hòa, cân xứng tạo nên dáng vẻ uy nghi, bề thế của cổng chính dẫn vào khu Nhập đạo.Trước đây, thường dân và Nho sinh đến Văn Miếu đều đi qua Tả môn và Hữu môn. Chính môn chỉ mở vào những dịp trọng đại và dành cho vua quan đi qua. Mặt trước cổng có trang trí hoa văn chữ Thọ được tạo tác tinh xảo, đường nét vuông vắn, cân xứng, trang nghiêm. Hai bên có hai bức phù điêu: bức “Cá chép hóa rồng” tượng trưng cho sự phấn đấu, thành đạt trong học tập của các Nho sĩ và bức “Mãnh hổ hạ sơn” tượng trưng cho sức mạnh và khí phách của người trí thức xuất thân ra giúp đời.

Phía ngoài cổng có hai câu đối dịch nghĩa là:

“Nước lớn trong giáo dục, giữ thuần phong, đạo được tôn sùng, tin tưởng, tư văn nguyên có gốc.
Nhà Nho phải thông kinh, phải thức thời, chớ nên cố chấp, những lời thánh huấn phải ghi lòng.”

Hai câu đối phía trong cổng dịch nghĩa là:

“Sĩ phu có nhiều báo đáp, ơn triều đình đào tạo, ý nhà nước tôn sùng.
Thế đạo nhờ đó duy trì, chốn lễ nhạc y quan, nơi thanh danh văn vật.”

Trên tường, cửa, lan can, hay trên mái đều được trang trí tỉ mỉ, lan can tầng 2 ở mặt ngài cổng là bức phù điêu lưỡng long chầu nguyệt, mặt trong được trang trí hình trông giống ngũ vị tiên ông mặc dù nhỏ nhưng được tạo tác rất tinh tế, theo phán đoán của chúng tôi đây chính là Khổng Tử và 4 người học trò của ông được thờ ở trong điện Đại Thành. Phía trước cổng Văn Miếu chúng ta có thể chiêm ngưỡng thấy đôi rồng đá cách điệu thời Lê. Hình ảnh rồng ẩn trong mây biểu lộ cái nhìn tinh tế của các nghệ nhân. Bên trong là đôi rồng đá thời Nguyễn, ở đây là sự phối hợp, tổng hòa những nét độc đáo, uy nghi của các linh vật, là những hiện vật tuyệt đẹp ở Văn Miếu môn, biểu tượng cho sự tôn nghiêm và thành kính.

Cá chép hóa rồng cổng Văn Miếu Quốc Tử Giám
Mãnh hổ hạ sơn cổng Văn Miếu Quốc Tử Giám
mái vòm cổng Văn Miếu bằng gỗ hình bán nguyệt
cổng Văn Miếu bằng gỗ
rồng ẩn trong mây bằng đá cách điệu thời Lê ở phía ngoài cổng Văn Miếu
rồng đá thời Nguyễn phía trong cổng Văn Miếu

Khu thứ nhất Văn Miếu – Quốc Tử Giám : Khu Nhập Đạo

Nhập Đạo là khu thứ nhất của khu nội tự . Bài học đầu tiên mà các Nho sinh phải học là đạo làm người, sau đó mới học tri thức với mục đích là để trở thành người vừa có đức vừa có tài. Đây là hạng mục kiến trúc mới được bổ sung vào thế kỷ XIX dưới triều Nguyễn .Khu vườn được thiết kế đối xứng theo một trục dọc trung tâm tương tự như bốn khu vực khác của Nội tự. Chính giữa khu Nhập Đạo là đường Hoàng đạo là đường xưa chỉ dành cho vua, quan, hai bên là hai đường Linh đạo  là đường dành cho dân thường và học trò, cùng hai hồ nước và nhiều cây xanh tạo cho khu vườn một diện mạo khang trang, tươi mát.

Từ cổng chính Văn Miếu qua con đường Hoàng đạo được lát gạch dẫn đến cổng Đại Trung và hai con đường nhỏ hai bên dẫn đến hai cổng nhỏ là Thành Đức và Đạt Tài. Cổng Đại Trung mang phong cách kiến trúc thời Hậu Lê. Công trình được thiết kế ba gian không có cửa. Nền cổng được lát gạch Bát Tràng, bó vỉa đá, ba bậc lên xuống, tạo cảm giác tôn nghiêm bề thế. Phần mái được lợp ngói mũi hài. Hai bên cổng có hai hàng cột chạy dọc từ trước ra sau, ở giữa có hàng cột để chống nóc. Những cột gỗ tròn đều, đặt trên đế chân cột bằng đá chứ không chôn xuống nền và chính sức nặng, của mái công trình, đã làm nên sự ổn định và vững vàng cho cột chống.

Trên nóc có đắp nổi hai con cá chép chầu vào bình móc. Hình tượng cá chép, gợi nhớ đến điển tích “Cá chép vượt vũ môn”, biểu trưng cho tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền bỉ chinh phục tri thức, để đi tới thành công. Người học trò khi xưa, hay ngày nay cũng vậy, muốn học hành thành tài đều phải chuyên cần và nỗ lực. Tên hai cổng nhỏ Thành Đức và Đạt Tài mang ý nghĩa đào tạo những con người, vừa có đức, vừa có tài, giúp ích cho xã hội. Có thể nói, hệ thống cổng Đại Trung, Thành Đức và Đạt Tài là một trong những công trình kiến trúc cổ và độc đáo của di tích.

Cổng Đại Trung Văn Miếu Quốc Tử Giám
Khu Nhập Đạo hướng nhìn từ trong ra cổng Văn Miếu
Cổng Đại Trung nhìn từ hồ nước
Cổng Văn Miếu nhìn từ hồ nước

Khu thứ hai Văn Miếu – Quốc Tử Giám : Khuê Văn Các

Khu thứ hai từ Đại Trung Môn vào đến khuê Văn Các cũng được bố trí tương tự như khu nhập đạo. Từ Đại Trung môn đi theo con đường lát gạch ở giữa là Khuê Văn Các. Khuê Văn Các nghĩa là “gác vẻ đẹp của sao Khuê” được xây dựng vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long, Khuê Văn Các cũng là hình ảnh đặc trưng nhất, in đậm trong tâm trí người Việt nhất mỗi khi nhắc đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Chọn Khuê Văn Các làm biểu tượng của thủ đô Hà Nội là trân trọng và phát huy truyền thống văn hiến, tinh thần hiếu học của người Việt Nam, thể hiện tầm nhìn về giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Khuê Văn các là công trình kiến trúc tuy không đồ sộ song tỷ lệ hài hòa và đẹp mắt.

Gác Khuê Văn thể hiện sự khiêm cung, có kiến trúc đối xứng, giản dị và tao nhã với hai tầng tám mái. Tầng gác bên trên có kết cấu bằng gỗ, bốn góc có hàng lan can gỗ con tiện. Mái ngói được nâng bởi những giá gỗ đơn giản, thanh thoát và vững chắc. Khuê Văn Các có bốn mặt, mỗi mặt đều có một cửa tròn với những thanh gỗ nhỏ chống tỏa ra bốn phía. Cửa sổ hình tròn cùng những thanh gỗ chống con tiện này tượng trưng cho sao Khuê đang tỏa sáng. Mặt chính diện, phía trên sát mái có treo một biển đề ba chữ “Khuê Văn Các” được sơn son thếp vàng.

Bốn xung quanh mỗi mặt đều chạm một đôi câu đối chữ Hán thiếp vàng. Cả bốn đôi câu đối này đều rất có ý nghĩa,tạm dịch nghĩa như sau:

  1. Sao Khuê trời sáng, văn minh rộng – Sông Bích xuân sâu, mạch đạo dài
  2. Triều ta tô điểm nhiều văn trị – Gác đẹp văn hay đón khách xem
  3. Bắc Đẩu soi thành nhiều khí tốt – Đầm thu bóng nguyệt sáng lòng xưa
  4. Nước lễ nghĩa nghìn năm văn hiến – Phủ đồ thư một mối thánh hiền

Khuê Văn Các có kiến trúc dạng cổ lầu, nhỏ nhắn và đơn giản. Đây là kiểu kiến trúc rất đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Hai bên phải trái Khuê Văn các là Bi Văn Môn và Súc Văn Môn dẫn vào hai khu nhà bia Tiến sĩ. Gác Khuê Văn vốn là nơi xưa kia dùng để họp bình những bài văn hay, của các sĩ tử đã thi trúng khoa thi hội. Gác nhỏ, kiến trúc giản dị nhưng tao nhã, đặc biệt lại được chọn dựng, giữa những cây cổ thụ xanh tốt, cạnh giếng Thiên Quang, đầy nước trong in bóng gác.

Khuê Văn Các nhìn từ hồ nước
Cổng Đại Trung nhìn từ hướng Khuê Văn Các
Khuê Văn Các về đêm
Khuê Văn Các về đêm
Khuê Văn Các nhìn từ hồ nước về đêm

Khu thứ ba Văn Miếu – Quốc Tử Giám : Vườn bia Tiến sĩ và giếng Thiên Quang

Giếng “Thiên Quang”  hay còn gọi là “Thiên Quang tỉnhnghĩalà “giếng soi ánh sáng bầu trời” . Đặt tên này cho giếng, người xây dựng có ý muốn nói con người thu nhận được tinh túy của vũ trụ, soi sáng tri thức, nâng cao phẩm chất, tô đẹp nền nhân văn. Giếng hình vuông, quanh bờ đều xây hàng lan can tới độ ngang lưng. Người xưa còn có quan niệm giếng hình vuông tượng trưng cho đất, cửa tròn Gác Khuê Văn tượng trưng cho trời. Tinh hoa của cả trời cả đất, đều được tập trung, ở trung tâm văn hóa, giáo dục uy nghiêm, giữa chốn đế đô này. Một con đường nhỏ lát gạch bao quanh giếng, cho phép người ta có thể dạo quanh giếng, lên gác Khuê Văn, vào cổng Đại Thành hoặc rẽ sang 2 vườn bia đá ở 2 bên.

Giếng Thiên Quang nhìn ra Khuê Văn Các về đêm
Giếng Thiên Quang nhìn ra cổng Đại Thành về đêm
Giếng Thiên Quang nhìn ra Khuê Văn Các

Nhưng có lẽ di tích có giá trị bậc nhất ở đây là 82 tấm bia Tiến sĩ dựng ở hai bên phải trái của giếng Thiên Quang, mỗi bên 41 tấm dựng thành 2 hàng ngang, mặt bia đều quay về phía giếng. Cả hai bên, giữa mỗi vườn bia xây một tòa đình vuông, 4 mặt bỏ trống, nền cao, giữa nền có bệ, cửa đều trông thẳng xuống giếng. Đây là hai tòa đình thờ bia. Xưa kia hàng năm, xuân thu nhị kỳ trong Văn Miếu làm lễ tế, thì ở đây cũng sửa lễ vật cúng bái, các vị tiên nho của nước ta, mà quý tính cao danh còn khắc trên bia đá. Trong 82 tấm bia còn lại tới ngày nay, tấm sớm nhất dựng vào năm 1484, khắc tên các vị tiến sĩ đỗ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 tức là năm 1442. Tấm cuối cùng dựng vào năm 1780, khắc tên các Tiến sĩ đỗ khoa Kỷ Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 40 tức là năm 1779.

Ý tưởng dựng bia ghi tên các tiến sĩ khởi lên từ vua Lê Thánh Tông, vị hoàng đế học sâu, hiểu rộng quan tâm nhiều đến sự hưng thịnh của đất nước và nền văn hóa dân tộc, là người đặc biệt coi trọng khoa cử và trọng dụng nhân tài. Nhận thấy sự cần thiết phải biểu dương nhân tài để khuyến khích việc học tập trong toàn dân, nhất là các thế hệ học trò, những người đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Năm 1484 vua đã xuống chiếu cho truy dựng từ khoa thi 1442, và lệ dựng bia được bắt đầu từ đây.     

Để được khắc tên trên bia đặt trang trọng tại nơi này, các nho sinh phải học tập chăm chỉ, dùi mài kinh sử, trải qua ít nhất 10 năm đèn sách và vượt qua 4 kì thi. Đầu tiên là thi khảo hạch ở cấp địa phương, nho sinh nào trúng thí thì sẽ được vào thi Hương.

Thi Hương dưới triều Lê được Triều đình tổ chức 3 năm một lần, gồm các thí sinh từ các trấn hay lộ dự thi tại một điểm do triều đình quy định. Địa điểm thi có khi là bãi đất trống hoặc khu ruộng mà người nông dân vừa thu hoạch xong, vì vậy mà khi đi thi các sĩ tử còn phải gánh theo lều, chõng để thi. Các nho sinh phải khai rõ ràng quê quán, tên tuổi, chuyên học kinh gì, chức sắc của ông cha. Những nhà phường chèo con hát và những kẻ phản nghịch, ngụy quan, có tiếng xấu, bản thân và con cháu đều không được đi thi, nếu mang sách hay mượn người làm hộ, thì trị tội theo luật”.  

Những Nho sinh trúng kì thi Hương được vào học ở Quốc Tử Giám, sau đó phải qua một kỳ khảo hạch gắt gao của bộ Lễ mới được thi Hội và thi Đình.

Thi Hội do triều đình tổ chức tại Kinh đô, những ai đỗ thi Hội được tạm coi là đỗ Tiến sĩ, và trải qua một kì thi nữa là thi Đình để phân hạng cao thấp. Người đỗ đầu kỳ thi Hội gọi là Hội nguyên.

Thi Đình được tổ chức tại Điện Kính Thiên tức là Hoàng Thành hiện nay. Các thí sinh chỉ phải làm một bài văn do vua ra đề, hỏi về đạo trị nước và sử dụng hiền tài an dân… Và nhà vua không đánh trượt một ai, căn cứ vào bài thi, triều đình sẽ phân hạng thí sinh theo 3 loại:

+ Những người đỗ đầu gọi là Đệ nhất giáp Tiến sỹ cập đệ, gồm có 3 danh Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa.

+ Những người đỗ hạng 2 gọi là Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân hay còn gọi là Hoàng Giáp.

+ Những người đỗ hạng 3 gọi là Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân.

Người đỗ đầu cả 3 kỳ thi: Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình gọi là Tam nguyên, ví dụ như nhà Bác Học Lê Quý Đôn đã từng đỗ tam nguyên khoa thi năm 1752.

Khi đỗ đạt học vị Tiến sĩ được nêu tên trên bảng vàng, được phong chức tước, được cấp mũ áo xiêm đai, ngựa quý về vinh quy bái tổ, dự yến ở vườn thượng uyển của vua. Vinh hạnh hơn cả là được ghi tên trên bia đá lưu truyền mãi mãi, hậu thế trông vào mà sinh lòng hâm mộ, phấn đấu, rèn luyện danh tiết. Tuy nhiên, không phải khoa thi nào cũng lấy đủ cả Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa, mà có năm chỉ có Bảng nhãn, Thám hoa hay Hoàng Giáp đỗ đầu, có năm chỉ có Tiến sĩ.

Cũng trên các tấm bia quý giá này, chúng ta tự hào với tên tuổi của những người đã góp phần làm rạng rỡ nền văn hóa Việt Nam như, nhà sử học Ngô Sĩ Liên, người huyện Chương Mỹ, đỗ tiến sỹ năm 1442, là một trong những soạn  giả của cuốn Đại việt sử kí toàn thư. Nhà toán học Lương Thế Vinh, người Nam Định, đỗ Tiến sỹ của khoa thi năm 1463 là tác giả của cuốn Đại thành toán pháp. Nhà Bác học Lê Quý Đôn, người Thái Bình, đậu Bảng nhãn năm 1752, là tác giả của nhiều tác phẩm, như: Đại việt thông sử, Kiến văn tiểu lục, Phủ biên tạp lục, Vân đài loại ngữ… Nhà chính trị ngoại giao Ngô Thì Nhậm, đỗ tiến sỹ khoa thi năm 1775, có công giúp vua Quang Trung – Nguyễn Huệ chiến thắng quân Thanh trong trận Ngọc Hồi – Đống Đa lừng danh trong lịch sử, …

Cũng từ thông tin trên các tấm bia Văn Miếu này còn cho ta thấy tinh thần hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo, truyền thống học tập của các gia đình, dòng họ, địa phương…Có những gia đình, cha con, anh em cùng đỗ Tiến sĩ, như cha con tiến sĩ Nguyễn Quý Ngọc và Nguyễn Quý Ban (hai cha con người Thanh Trì, cùng đỗ đệ Tam, cha đỗ khoa thi năm 1748 sau 30 năm con đỗ khoa thi năm 1778); Trần Huy Tích và Trần Văn Vi; Ngô Thì Nhậm và Ngô Thì Sĩ … 82 tấm bia Tiến Sĩ nơi đây còn giúp chúng ta thống kê và xác định những dòng họ, địa phương có truyền thống khoa bảng, như vùng Kinh Bắc hay ở xã Mộ trạch, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương nổi tiếng khoa bảng, dòng họ Ngô ở Bắc Giang, hay dòng họ Phạm ở Đông Ngạc – Từ Liêm cũng rất nổi tiếng khoa bảng.

Tấm bia cổ nhất nơi đây được dựng năm 1484 về khoa thi năm 1442, nội dung bài văn bia có đoạn: Hiền tài là nguyên khí Quốc Gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước kém và suy, cho nên các thánh Đế, minh vương không ai không chăm lo xây dựng nhân tài, vun trồng nguyên khí. Đây được coi như tuyên ngôn về giáo dục không những xưa kia, mà luôn đúng trong mọi thời đại, nhất là ngày nay khi xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước luôn cần trí tuệ, khoa học kỹ thuật.

Theo tính toán thì từ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 tức là năm 1442 tới khoa cuối cùng là khoa Đinh Mùi niên hiệu Chiêu Thống năm thứ nhất 1787 tính cho đủ phải tới 124 khoa thi đình, nếu chỉ kể các khoa thi Tiến sĩ thì cũng phải 117 khoa, vậy nếu theo đúng điển lệ triều Hậu Lê thì phải lập đủ 117 tấm bia đề tên Tiến sĩ. Thế nhưng trải qua bao cơn binh lửa, vật đổi sao dời, số bia chỉ còn là 82 tấm. Theo như chúng tôi thấy góc bên phải của vườn bia phía giáp với khu điện Đại Thành hiện nay có hai rùa đá đế bia, thân bia chưa thấy, song sự việc này đã nâng số bia Tiến sĩ lên con số 84.

Năm 1994, các dãy nhà che bia được xây dựng để bảo vệ bia Tiến sĩ theo mẫu sửa nhà bia cuối cùng vào niên hiệu Tự Đức năm thứ 16 tức năm1863. 8 dãy nhà che bia có kích thước nhỏ, hài hòa với hai tòa đình bia ở giữa. Hệ thống cột chống mái bằng gỗ, mái lợp ngói mũi hài truyền thống. Sự bổ sung của tám dãy nhà che bia còn khiến lớp không gian thứ ba trở thành quần thể kiến trúc hoàn chỉnh và gắn bó với nhau.

82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu và ghi vào danh mục Ký ức thế giới toàn cầu. Những điều này đã cho thấy, Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ là tài sản quý giá của Thủ đô, của Việt Nam, mà nó đã trở thành tài sản, di sản văn hóa của nhân loại

Bia Tiến sĩ về đêm

Khu thứ tư Văn Miếu – Quốc Tử Giám : Điện Đại Thành

Qua cổng Đại Thành là vào không gian thứ tư, khu vực chính của di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Cổng Đại Thành nghĩa là  cổng của sự thành đạt lớn lao, mang một cái tên đầy ý nghĩa tưởng không còn có thể chọn một tên nào có ý nghĩa hay hơn.Cũng như cổng Đại Trung, cổng Đại Thành là một kiến trúc 3 gian với hai hàng cột hiên trước sau và một hàng cột giữa. Cổng Đại Thành mang phong cách kiến trúc thời Hậu Lê từ thế kỉ 15-17. Công trình bằng gỗ ba gian. Mái lợp ngói mũi hài. Rồng được trang trí trên cánh cổng theo chủ đề “Long vân khánh hội” – thể hiện sự phồn thịnh của đất nước đối với đạo học nước nhà.

Gian chính giữa phía trên treo bức hoành phi đề ba chữ “ Đại Thành môn”, bên phải có hàng chữ nhỏ đề “Lý Thánh Tông, Thần Vũ nhị niên, Canh Tuất thu, bát nguyệt phụng kiến” nghĩa là tháng Tám mùa thu năm Canh Tuât Thần Vũ thứ hai đời Lý Thánh Tông cho dựng Văn Miếu, bên trái ghi: “Đồng Khánh tam niên Mậu Tý trọng đông đại tu” nghĩa là tu sửa lại vào tháng 11 năm Mậu Tý niên hiệu Đồng Khánh năm thứ 3 tức năm1888. Bức hoành phi khẳng định Văn Miếu được xây dựng vào năm 1070.

Dưới chân cổng Đại Thành có 6 con Nghê cối cửa, được tạo tác tinh tế với chất liệu bằng gỗ và đá. Hai bên cổng Đại Thành có hai cổng nhỏ Kim Thanh nghĩa là tiếng chuông vàng và Ngọc Chấn nghĩa là tiếng khánh ngọc dẫn vào phía sau hai dãy nhà Hữu Vu và Tả Vu.

Bước qua cổng Đại Thành là tới một sân Đại Bái rất rộng lát gạch Bát Tràng. Hai bên phải trái của sân là 2 dãy Tả Vu và Hữu Vu. Chính giữa trước mặt là tòa Bái Đường rộng lớn và thâm nghiêm trải suốt chiều rộng của sân, nối với đầu hồi của Tả Vu, Hữu Vu 2 bên, tạo thành cụm kiến trúc hình chữ U cổ kính.

Xưa kia vào trước ngày thi, các học trò và giám sinh, thường tề tựu về đây, một lòng thành kính thắp hương, dâng lên các vị tiên thánh, tiên hiền cầu nguyện sức khỏe, và mong gặp may mắn trong các kỳ thi. Tiếp nối truyền thống đó, ngày nay rất nhiều các trường của thủ đô Hà nội và trong cả nước về đây làm lễ dâng hương và khuyến học. Tòa Bái đường gồm 9 gian với 40 cột trụ chống mái, lợp ngói mũi hài, mang phong cách kiến trúc thời hậu Lê, đầu Nguyễn phía Trên nóc đắp nổi hai con rồng chầu mặt nguyệt.

Xưa kia tại tòa Bái đường nay, cứ một năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu, vua và các quan đại thần đến đây tế lễ Khổng Tử và các vị tiên thánh, tiên nho. Do vậy tại đây đặt 1 hương án rất đẹp làm bằng gỗ sơn son thếp vàng, phía trên hương án là bức hoành phi “Vạn thế sư biểu”, nghĩa là Người thầy tiêu biểu của muôn đời. Đây là lời phong tặng của vua Khang Hy nhà Thanh khi đi thăm Khổng miếu Khúc phụ ở tỉnh Sơn Đông-Trung Quốc đã đề cao Khổng Tử là người thầy của muôn đời.

Bức hoành phi này được làm trong đợt tu sửa Văn Miếu vào năm 1888. Xung quanh còn có các bức hoành phi, câu đối ca ngợi đạo Nho, ca ngợi Đạo đức và học vấn của Khổng Tử như: “Đạo quán cổ kim” nghĩa là “Đạo nho đứng đầu xưa nay”, “Đức tham thiên địa” nghĩa là “Đức lan tỏa khắp trời đất”. “Cổ kim nhật nguyệt” nghĩa là “ánh sáng muôn thuở”.

Cũng tại nơi đây có đôi hạc đồng rất đẹp. Đôi hạc này vốn được thờ ở đình làng Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng -Hà Nội. Trong tuần lễ vàng năm 1946 làng Quỳnh Lôi đã quyên góp đôi hạc này cho chính phủ. Bác Hồ nói: đây là đôi Hạc đồng đẹp nhất nước Nam, hãy đưa vào Văn Miếu cho du khách thập phương cùng chiêm ngưỡng. Hình tượng hạc đứng trên lưng rùa biểu trưng cho sự hài hòa âm, dương giữa trời và đất.

Hai dãy Tả vu, Hữu vu trước kia là nơi thờ Thất thập nhị hiền, là 72 học trò giỏi của khổng tử. Kiến trúc cũ bị phá hủy năm 1946, kiến trúc hiện nay được xây dựng lại vào năm 1954. Hiện nay hai dãy nhà này là nơi làm việc và phục vụ khách du lịch.

Điện Đại Thành nằm song song với toà Bái Đường, được nối bằng một phương đình. ở giữa phương đình đặt một lư hương bằng đồng, với hai con rồng bám hai bên rất đẹp, bên phải lư hương là một nghiên mài mực bằng đá rất lớn. Nếu tách riêng cụm 3 kiến trúc này ra, thì chúng được xây dựng theo hình chữ công, mà phương đình chính là nét sổ giữa, Bái Đường và điện Đại Thành là 2 nét ngang trên và dưới.

Điện Đại Thành cũng gồm 9 gian, xây tường 3 mặt, phía trước có cửa bức bàn đóng kín 5 gian, 4 gian đầu hồi có cửa chắn song cố định. Gian chính giữa là tượng đức Khổng Tử mặt nhìn về hướng nam, theo quan niệm: Thánh nhân Nam diện nhi trị, tức là thánh nhân quay về hướng Nam để cai trị. Phía sau là khám thờ trên có ngai và bài vị đề: “Đại thành chí thánh tiên sư Khổng Tử thần vị”, hai bên là ban thờ và tượng cùa Phục thánh Nhan Hồi, Tông thánh Tăng Tử, Thuật thánh Tử Tư, và Á thánh Mạnh Tử. Cũng trong điện đại thành này, ở hai bên đầu hồi còn thờ  10 bài vị bằng đá hay còn gọi là “Thập Triết” tức là Mười học trò giỏi nhất của khổng Tử.

Tượng Khổng Tử trong điện Đại Thành
Tượng Tứ Phối : Phục thánh Nhan Hồi, Tông thánh Tăng Tử, Thuật thánh Tử Tư, và Á thánh Mạnh Tử
Tượng Tứ Phối : Phục thánh Nhan Hồi, Tông thánh Tăng Tử, Thuật thánh Tử Tư, và Á thánh Mạnh Tử
bài vị bằng đá hay còn gọi là “Thập Triết” tức là Mười học trò giỏi nhất của khổng Tử
Sân Đại Bái
Bên trong tòa Bái Đường
Phương Đình nối Đại Bái với Điện Đại Thành
Cổng Đại Thành dẫn và khu Điện Đại Thành

Khu thứ năm Văn Miếu – Quốc Tử Giám : Khu Thái Học

Nằm sau khu Văn Miếu đi qua cổng Thái Học là khu Quốc Tử Giám.Cổng Thái Học được xây ba gian lợp ngói với 3 hàng cột, ở giữa là hệ cột kết hợp với 3 cửa gỗ ngăn cách khu Văn Miếu và Quốc Tử Giám. Phía trước cổng có hai tượng bằng đá nguyên khối đứng canh hai bên. Toàn bộ khu vực này trải rộng trên diện tích 1530m2, gồm nhà Tiền đường, Hậu đường, Tả vu, Hữu vu, gác chuông, lầu trống hai bên. Đây là nơi xưa kia dựng trường Quốc Tử Giám, trường đại học cao cấp đầu tiên của Việt Nam, nơi đào tạo hàng ngàn nhân tài cho đất nước. Đến khi nhà Nguyễn lên ngôi, triều đình cho xây dựng Quốc Tử Giám ở Huế thì khu này trở thành học đường của phủ Hoài Đức, sau này Triều Nguyễn cho xây đền Khải Thánh để thờ cha mẹ của Khổng Tử. Đến năm 1946 khu vực này bị đốt phá hoàn toàn, chỉ còn lại con đường lát gạch chính giữa từ cổng Thái học dẫn đến nền điện Khải Thánh.

Toàn bộ khu Thái Học ngày nay được xây dựng lại năm 1999, là công trình chào mừng kỷ niệm 990 năm Thăng Long Hà Nội. Nhà Tiền Đường phía trước gồm 9 gian với 40 cột gỗ lim chống mái, hai đầu hồi xây gạch Bát Tràng. Hiện nay, nhà Tiền Đường là nơi tổ chức các buổi lễ tuyên dương khen thưởng học sinh giỏi, giáo viên giỏi, các hội thảo khoa học, các buổi lễ quan trọng của Thành phố và của Nhà nước. Bên phải nhà Tiền Đường là khu vực để khách du lịch trải nghiệm in tranh và chữ từ mộc bản bằng mực tầu ngày xưa. Bên trái là rất nhiều hình tượng lều trõng, tượng trưng cho vật dụng mà các sĩ tử xưa thường mang theo từ quê nhà khi lên kinh đô thi cử, ở phía trên là hình tượng chiếc bút lông treo trên đài nghiên. Nối giữa tòa Tiền Đường với Hậu Đường là gian ống muống, ở giữa có đặt một lư hương bằng đồng, hai bên ống muống có mở cửa nhìn ra phía lầu chuông và gác trống. Tòa Tiền Đường, ống muống và Hậu Đường nối lại cũng tạo thành một hình chữ công nữa, đây là một nét kiến trúc rất được ưa chuộng tại các nơi thờ tự xưa.

Nhà Hậu Đường được xây dựng gồm hai tầng, tầng dưới ở gian chính giữa đặt tượng Quan Tư Nghiệp Quốc Tử Giám là thầy giáo Chu Văn An. Thầy Chu Văn An sinh năm 1292, mất năm 1370, quê ở huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội.Thầy Chu Văn An đỗ Thái học sinh dưới triều Trần tương đương với Tiến sỹ dưới triều Lê nhưng không ra làm quan mà về quê nhà mở trường dạy học. Học trò theo học rất đông, thầy đã đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước, trong số học trò của thầy có người làm quan đến chức Nhập nội hành khiển tương đương với Tể Tướng như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, nhưng khi đến  thăm thầy ở quê nhà vẫn giữ đạo học trò là quỳ dưới chân giường nghe thầy chỉ bảo. Kẻ nào làm quan sách nhiễu dân lành, hà hiếp dân chúng, khi đến thăm, ông đuổi ra không tiếp.

Nổi tiếng với học vấn uyên thâm, đạo cao đức trọng, ông được vua Trần Minh Tông mời ra Thăng Long giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám, tức Hiệu Trưởng và trực tiếp dạy Thái tử Trần Vượng, sau này là Vua Trần Hiến Tông. Dưới thời vua Trần Dụ Tông, nhà vua không chăm lo triều chính, ham mê tửu sắc, để nhiều quan tham lộng hành, tình hình đất nước bê bối, ông đã viết bài Thất trảm sớ, xin vua chém bảy vị quan nịnh thần, nhưng vua không đủ can đảm nghe theo. Quá buồn, Chu Văn An đã từ quan về ở ẩn ở núi Phượng Hoàng thuộc Chí Linh – Hải Dương, chuyên tâm vào việc dạy học. Ông mất tại đó,  thọ 78 tuổi, được truy tặng tước là Văn Trinh Công, thụy Khang Tiết và được phối thờ tại Văn Miếu.

Với những công lao đóng góp trong sự nghiệp của mình, Chu Văn An được coi là Ông Tổ của nền nho học Việt Nam. Bức Tượng thờ ông được đặt trang trọng tại đây từ năm 2003, do làng đúc đồng nổi tiếng của Hà Nội là làng Ngũ Xã đúc. Xung quanh gian phòng này, quý khách sẽ thấy các hiện vật trưng bày về lịch sử khoa cử việt nam như: Sa bàn mô phỏng kiến trúc khu vực văn miếu, sách nho xưa, quần áo tiến sĩ, đồ dùng của nho sinh…

Quốc Tử Giám được xây dựng vào năm 1076, dưới thời vua Lý Nhân Tông. Đây là trường Đại học đầu tiên của nước ta. Dưới thời Trần, Quốc Tử Giám có tên là Quốc Học Viện, thời Lê có tên là Thái Học Viện.Thời gian học tập tại Quốc Tử Giám là 3 năm, nội quy rất nghiêm. Sàn tầng 2 được làm bằng gỗ là nơi đặt tượng thờ 3 vị vua, là những người có công xây dựng và phát triển Văn Miếu – Quốc Tử Giám gồm: Vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông.

Ban thờ Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An tại nhà Thái Học
Sân nhà Thái Học
Trải nghiệm Đêm Văn Miếu Quốc Tử Giám tại sân khu Thái Học
Ban thờ vua Lý Thánh Tông tại tầng 2 nhà Thái Học
Ban thờ vua Lý Nhân Tông tại tầng 2 nhà Thái Học
Ban thờ vua Lê Thánh Tông tại tầng 2 nhà Thái Học
Tượng đá ở cổng Thái Học
Gác chuông khu Thái Học
Lầu trống tại khu Thái Học
Áo Tiến sĩ tại nhà Thái Học

Khu Vườn Giám

Khi tham quan ở Văn Miếu –  Quốc Tử Giám thì quý khách sẽ vào ở cổng chính và ra ở hai cổng phụ ở hai bên của khu Thái Học, trên đường ra cửa hướng ra phía vườn Giám tại đây có một ngôi miếu nhỏ thờ mẫu.Vườn Giám với nhiều cây xanh, thảm cỏ, nhà Bát giác, không gian trong lành, thoáng đãng. Là nơi nghỉ chân của du khách cũng như nơi thể dục thể thao của nhân dân quanh Văn Miếu, góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ cảnh quan, làm đẹp thêm cho khu di tích lịch sử gần nghìn năm tuổi.

Video cổng Văn Miếu với đồ án tứ linh “Huấn Tử” – Răn dậy con cái của tiền nhân

Video Khuê Văn Các:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *