Đền và Lăng Sĩ Nhiếp

Đền và Lăng Sĩ Nhiếp được đặt tại thôn Tam Á, xã Gia Đông, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Quần thể đền và lăng Nằm ngay cạnh Quốc lộ 17 cách chùa Dâu gần 3km, cách lăng Kinh Dương vương tầm 5km, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội hơn 30km về phía đông, nằm dưới những bóng cây cổ thụ lâu đời, khu di tích cổ kính, trầm mặc lưu lại cho hậu thế câu chuyện về người đã mở mang việc dạy và học chữ Hán ở Việt Nam.

Sĩ Nhiếp là ai?

Trong thần tích ngôi đền còn kể lại Sĩ Nhiếp (137-226) là thái thú cai trị đất Giao Chỉ vào thời Bắc thuộc. Sĩ Nhiếp tự là Ngạn Uy, tổ tiên của ông là người Vấn Dương nước Lỗ. Khi Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, tổ tiên Sĩ Nhiếp mới tránh loạn sang ở đất Quảng Tín, quận Thương Ngô. Đến đời ông cụ thân sinh ra Sĩ Nhiếp là sáu đời. Ông thân sinh tên là Sĩ Tứ làm Thái thú quận Nhật Nam thời Hán Hoàng Đế, cho Sĩ Nhiếp về du học ở kinh sư, theo học Lưu Tử Kỳ người Dĩnh Xuyên, chuyên trị sách Tả Thị Xuân Thu. Sĩ Nhiếp đỗ hiếu liêm, được bổ Thượng thư lang, vì việc công bị miễn chức, rồi về chịu tang cha. Sau lại đỗ Mậu tài, bổ làm Huyện lệnh Vu Dương, sau đổi làm Thái thú quận Giao Chỉ, được tước Long Độ Đình Hầu, đóng đô ở Liên Lâu (tức Long Biên) vùng Dâu – Luy Lâu ngày nay. Ngài là một vị quan cai trị nổi tiếng có tài và đức độ. Sử gia Ngô Sĩ Liên cũng từng viết trong Đại Việt sử ký toàn thư về Sĩ Nhiếp: “Độ lượng khoan hậu, khiêm tốn, kính trọng kẻ sĩ, người trong nước yêu mến, đều gọi là Vương. Các danh sĩ nhà Hán tránh nạn sang nương tựa có hàng trăm người”. Ngài được các triều đại phong kiến sau này ban tặng rất nhiều đạo sắc phong và được suy tôn là một trong những nhân vật mở đường cho Nho giáo ở Việt Nam, tôn vinh là “Nam Giao học tổ”.

Theo như truyền thuyết xưa thì Sĩ Nhiếp chính là người  đã cho xây dựng Luy Lâu thành trị sở cai trị và trung tâm kinh tế, văn hóa ở Giao Châu. Thành Luy Lâu được tu bổ mở rộng với quy mô to lớn, trở thành công trình phòng vệ kiên cố và căn cứ quân sự lợi hại. Ông cũng là người đã cho xây chùa thờ Phật mẫu Man Nương và các chùa thờ Tứ Pháp vẫn còn đến ngày nay. Ông được nhân dân yêu mến và viết nên bài thơ:

Hùng cứ một phương đất Giao Châu

Nội trị ngoại giao khéo những là

Giữ yên bờ cõi thời loạn lạc

Những bậc trí hùng lẽ nào hơn!

Thời ông cực thịnh dân yêu mến

Sớm khánh chiều chuông sáo kèn vang

Ngựa xe nô nức người đi lại

Luy lâu há lại kém Trường An

Việc quan nhàn rỗi siêng đèn sách

Góp dựng nên nền đất hiến văn

Dạy dân thông hiểu điều thi lễ

Xứng là tổ học đất trời Nam

Lăng mộ nghìn thu cừu trấn phục

Tam quan cổng đón đất nho sinh

Ngày dương tối nguyệt thánh trì tụng

Con cháu nơi này mãi vinh quy.

Bia ghi chép ở Đền và Lăng Sĩ Nhiếp
Bài thơ ở Đền và Lăng Sĩ Nhiếp

Đền Sĩ Nhiếp gồm những hạng mục gì?

Khu di tích Đền và lăng mộ Sỹ Nhiếp – “ Nam giao học tổ” nằm trên một gò đất cao phía tây bắc cuối làng Tam Á, Là nơi mà theo các tài liệu và văn bia còn được lưu giữ tại đây cho biết chính là nơi Sỹ nhiếp đã mở trường dậy chữ Hán và truyền thụ Nho Giáo đầu tiên ở nước ta. Từ ngoài đi vào khu đền là cổng Tam quan kiến trúc cổ kính hai tầng 8 mái, trước đây là cổng ngũ môn nhưng nay đã bịt hai cửa hai bên, trên cổng phía ngoài vẫn còn rõ 4 chữ Hán lớn đắp nổi “ Nam giao học tổ “và ở phía trong là 4 chữ là “ Hữu công nho giáo”. Qua cổng tam quan là khoảng sân rộng, hai bên là hai dẫy nhà hành lang, phía bên tay trái lối từ cổng vào có tháp chuông, phía bên tay phải có tháp để trống. Ngôi đền thờ hiện nay được tạo dựng theo kiểu chữ “Đinh” gồm 5 gian tiền tế phía trước, tiếp nối là 3 gian hậu cung, trong gian tiền tế có bức đại tự: “Thủy Vạn Thế” nghĩa là đức Tổ Tông muôn thuở sáng ngời. Trong khu hậu cung, tượng thờ Sĩ Nhiếp bằng chất liệu đồng. Hai bên là các tượng chầu đắp bằng đất được sơn son thếp vàng, mũ áo chỉnh tề tạo dáng phủ phục. Ban thờ trong cùng phía sát cung cấm còn để thờ mũ của ngài, được bảo vệ bởi chiếc bao bảo vệ trông giống hình quả chuông. Theo như người dân kể lại vào những năm chiến tranh, nhân dân ta chủ động đốt ngôi đền để tiêu thủ kháng chiến, dù đốt 4 đêm bằng dầu hỏa với rơm dạ nhưng ngôi đền vẫn không bị cháy.

Cổng Đền và Lăng Sĩ Nhiếp nhìn từ ngoài vào
Bia ở ngoài cổng Đền và Lăng Sĩ Nhiếp
Cổng Đền và Lăng Sĩ Nhiếp nhìn từ trong ra
Tổng quan Đền và Lăng Sĩ Nhiếp nhìn từ cổng vào
Đền Sĩ Nhiếp
Trong đền Đền Sĩ Nhiếp
Trong đền Đền Sĩ Nhiếp
Trong đền Đền Sĩ Nhiếp
Trong đền Đền Sĩ Nhiếp
Trong đền Đền Sĩ Nhiếp

Lăng mộ Sĩ Nhiếp được xây dựng thế nào?

Khu vực lăng mộ trước đây là cánh rừng cổ thụ rộng 4 mẫu. Tương truyền khi ngài mất, 99 người học trò về viếng thầy, mỗi người mang theo một nắm cơm. Nhưng vì thương nhớ thầy, không ai cầm lòng ăn được nên đã để lại, sau này hóa thành 99 gò nổi xung quanh khu lăng mộ. Câu chuyện nhuốm màu huyền tích về tình cảm xót thương của những người học trò dành cho người thầy đáng kính, Giờ đây câu chuyện đã hóa thành đất đai, gò đống như minh chứng cho sự trường tồn của tình nghĩa thầy trò. Lăng Sĩ Nhiếp nằm phía Tây Bắc chếch phía sau đền, hiện nay không còn rộng lớn như trước. Khu vực lăng là một khoảng đất nhỏ, ở giữa phía trước lăng là ban thờ với bát hương,  xung quanh xây tường hoa có con tiện ở phía trên, tạo nên tổng thể lăng hình bát giác, nhìn từ trên xuống trông giống các cạnh của gương bát quái, ở phía đối diện nhìn từ phía bậc lên sẽ thấy 3 chữ hán: Sĩ Nhiếp Lăng, nhưng do dấu ấn thời gian chữ Sĩ đã bị rơi nét ngang phía dưới nếu nhìn kĩ chỉ thấy mờ mờ mà hiện nay chỉ còn chữ thập ở phía trên. Trong lăng là phần đất mà ở giữa được nhô lên cao hơn và thoải dần ra phía xung quanh. Dấu ấn nổi bật ở khu vực lăng của ngài là một con cừu đá nằm quỳ phục trước lăng, tương truyền do các cao tăng của Ấn Độ khi về đây thuyết pháp đã tạc nên. Trước đây vốn có hai con, có truyền thuyết kể lại rằng do ngài Sĩ Nhiếp đã đem tặng chùa Dâu 1 con,  nhưng cũng có truyền thuyết kể rằng một con chạy ra ruộng phá lúa của dân. Mẫu Man Nương đã làm phép đánh lõm lưng và bắt về chùa Dâu tu tập. Cho đến nay, một con cừu vẫn phủ phục trước lăng Sĩ Nhiếp, con còn lại vẫn nằm dưới chân tháp Hòa Phong ở chùa Dâu.

Lăng Sĩ Nhiếp
Lăng Sĩ Nhiếp
Lăng Sĩ Nhiếp
Lăng Sĩ Nhiếp
Cừu trấn ở Lăng Sĩ Nhiếp
Cừu trấn ở Lăng Sĩ Nhiếp
Cừu trấn ở Lăng Sĩ Nhiếp

Tổng quan về Đền và Lăng Sĩ Nhiếp

Là một trong những di tích đã được nhà nước xếp hạng và cấp băng công nhận là di tích Lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1993. Lăng Sĩ Nhiếp là một điểm tham quam du lịch – Văn hóa tâm linh quan trọng ở vùng đất Bắc Ninh. Nơi đây được nhân dân địa phương duy trì hương khói thờ phụng quanh năm, nên quý vị có thể đến thăm viếng bất kỳ thời gian nào trong năm, hăng năm còn tổ chức lễ hội vào ngày mồng 7 tháng giêng là ngày mất của cụ Sĩ Nhiếp.

Bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa Đền và Lăng Sĩ Nhiếp

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *